a. Mục tiêu đào tạo
Chương trình Cử nhân Công nghệ Thông tin đào tạo những cử nhân ngành Công nghệ thông tin có phẩm chất chính trị tốt, có đạo đức nghề nghiệp, có ý thức trách nhiệm tổ chức, và có sức khỏe tốt; nắm vững các kiến thức cơ bản và chuyên môn sâu về công nghệ thông tin (CNTT); đáp ứng các yêu cầu về nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin của xã hội; có năng lực tham mưu, tư vấn và có khả năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ với tư cách của một chuyên viên trong lĩnh vực CNTT. Bên cạnh đó,trên cơ sở các kiến thức được trang bị ở trình độ đại học, người học có đủ năng lực từng bước hoàn thiện khả năng độc lập nghiên cứu, tự bồi dưỡng và tiếp tục lên học các trình độ cao hơn.
b. Vị trí và khả năng làm việc sau tốt nghiệp
Cử nhân Công nghệ Thông tin tốt nghiệp tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin có khả năng đảm nhiệm các vị trí sau:
- Chuyên viên thiết kế, xây dựng và quản lý các dự án nghiên cứu và ứng dụng CNTT, chủ yếu trong lĩnh vực: địa lý, môi trường, viễn thám.
- Chuyên viên quản lý, giám sát, đầu tư các dự án công nghệ thông tin.
- Chuyên viên khai thác dữ liệu và thông tin ứng dụng cho các doanh nghiệp trong vấn đề phân tích định lượng.
- Chuyên viên có kĩ năng phát triển các ứng dụng truyền thông xã hội và công nghệ Web.
- Cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và ứng dụng CNTT ở các trường đại học và cao đẳng trên cả nước.
c. Hình thức và thời gian đào tạo
- Hình thức đào tạo: chính quy tập trung.
- Thời gian đào tạo: 04 năm, trải trên 8 học kỳ.
d. Chuẩn đầu ra
Sinh viên tốt nghiệp chương trình cử nhân ngành CNTT phải đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn đầu ra (ký hiệu LO - Learning Outcome) sau:
LO 1: Vận dụng kiến thức nền tảng về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội để giải quyết vấn đề liên quan chuyên ngành.
LO 2: Vận dụng kiến thức nền tảng của ngành Công nghệ Thông tin và ứng dụng vào thực tiễn liên quan đến dữ liệu, thông tin, tri thức, và kỹ thuật công nghệ mới.
LO 3: Phân tích, lập luận,và giải quyết vấn đề liên quan đến ngành Công nghệ Thông tin (quản lý nguồn tài nguyên, các hoạt động của cơ quan/doanh nghiệp, các giải pháp sử dụng công nghệ thông tin để nâng cao khả năng lãnh đạo, quản lý, hoạt động của cơ quan/doanh nghiệp).
LO 4: Biếtkỹ năng nghiên cứu khoa học (khảo sát tài liệu, phân tích, đánh giá, vận dụng các công trình khoa học).
LO 5: Hiểu và nhận thứctư duy hệ thống, phân tích, thiết kế, đánh giá các thành phần hoặc toàn hệ thống thuộc lĩnh vực ngành Công nghệ Thông tin,vận dụng nhanh các công nghệ, kỹ thuật, công cụ phù hợp để quản lý và ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực thực tế.
LO 6: Hiểu về sự cần thiết để học tập suốt đời, hiểu biết về các giá trị đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp.
LO 7: Vận dụng đượckỹ năng làm việc nhóm (thành lập, điều hành và duy trì công tác nhóm).
LO 8: Vận dụng đượckỹ năng giao tiếp (kỹ năng làm chủ đối thoại, thuyết trình tốt).
LO 9: Có năng lực ngoại ngữ bậc 3/6 Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam (kỹ năng nghe nói, đọc hiểu tài liệu, viết khá tốt tiếng Anh).
LO 10: Nhận biết bối cảnh và nhu cầu xã hội, xác định ý tưởng, thiết kế, xây dựng,triển khai, vận hành ứng dụng các hệ thống Công nghệ Thông tin đáp ứng nhu cầu xã hội. Khả năng xây dựng tốt ý tưởng, thiết kế, phát triển, triển khai, vận hành.
e. Điều kiện xét tốt nghiệp
Để được công nhận tốt nghiệp, sinh viên phải thỏa mãn các điều kiện sau:
- Tích lũy tối thiểu 120 tín chỉ.
- Hoàn thành các môn học chuyên ngành.
- Hoàn thành tất cả các môn học đại cương và cơ sở ngành.
- Hoàn thành khóa luận tốt nghiệp.
- Đạt chuẩn đầu ra tiếng Nhật theo quy định hiện hành của Trường.
- Ngoài ra, sinh viên phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn khác theo Quy chế đào tạo theo học chế tín chỉ và Quy định đào tạo chương trình chất lượng cao hiện hành của Trường Đại học Công nghệ Thông tin.