Skip to content Skip to navigation

Góc nhỏ sinh viên - 500 chữ “vàng ròng” của 01 bài luận

Bên cạnh những điểm số như SAT, TOEFL,…mỗi “thợ săn” học bổng phải chứng tỏ sự nổi bật về tính cách, học tập và hoạt động một cách toàn diện để gây ấn tượng với nhà tuyển sinh. Và bài luận sẽ thể hiện rõ nét điều đó.

Bài luận chính (Personal Statement) là bài luận bắt buộc cho tất cả các sinh viên muốn nộp đơn vào các Trường ĐH ở Mỹ. Và kể cả các chương trình giao lưu quốc tế, trao đổi ngắn hạn thì bài luận chính cũng rất được xem trọng. Chuyên mục góc nhỏ sinh viên kỳ này sẽ mang đến cho các bạn các “bí kíp” để có được một bài luận ấn tượng nhé.

Đầu tiên, phải nói đến yêu cầu, tiêu chuẩn của 01 bài luận vào các Trường ĐH Mỹ:

Bài luận chính không được vượt quá 650 chữ. Khi viết luận, bạn không nên bỏ qua những điểm sau đây:

  • Phải có luận điểm và thông điệp rõ ràng;
  • Mở bài phải gây được ấn tượng tốt với người đọc và phải khiến chủ đề bạn chọn nổi bật rõ.
  • Các đoạn văn phải thống nhất, tránh rời rạc và lạc đề;
  • “Show, don’t tell” là câu châm ngôn nằm lòng của rất nhiều bạn sinh viên khi viết luận, có nghĩa là bạn đừng nên kể lể dài dòng mà hãy thể hiện bản thân qua bài luận của mình.
  • Không nên lặp lại ý trong từng đoạn;
  • Bạn là trung tâm của bài luận, mọi việc mà bạn nhắc đến đều phải xoay quanh mình. Hội đồng tuyển sinh chỉ muốn biết về bạn - người nộp đơn - chứ không phải ai khác.
  • Không nên viết như văn nghị luận bạn thường viết hồi học cấp 3, đừng trích dẫn câu nói của một người nổi tiếng nào đó nếu không thật sự cần thiết để chứng minh vấn đề mà bạn đang nói đến.
  • - Phải có giọng văn phù hợp: Hài hước, nghiêm túc, bay bổng… Bạn có thể chọn giọng văn phù hợp với tính cách của mình.
  • - Sáng tạo chính là yếu tố ghi điểm.

=> Hãy viết như 1 bài luận chuẩn IELTS bạn nhé.

Bên cạnh đó, nếu đang có ý định nộp hồ sơ tham gia một chương trình trao đổi ngắn hạn hay đơn giản là 01 khóa học ở nước ngoài, bạn cần chú ý thêm:

  • Tìm hiểu thật kỹ về chương trình trao đổi đó, đặc biệt chú ý đến cơ quan, đơn vị phụ trách để chắc chắn rằng bạn không bị lừa.
  • Đây là chương trình giao lưu văn hóa hay trao đổi ngắn hạn từ ngành học của bạn/ bạn có được quy đổi tín chỉ tương đương khi về Việt Nam không?
  • Mục tiêu mà chương trình đó hướng đến (điều này cực kỳ quan trọng để có được một bộ hồ sơ chất lượng)
  • Dù BTC không yêu cầu, nhưng hãy đính kèm 1 bài luận hoặc cover letter về bản thân bạn.
  • Đọc thật kỹ những yêu cầu và chính sách hỗ trợ của BTC

Chúc bạn chuẩn bị thật tốt cho hành trang "cất cánh" của bản thân mình.

_________________________________________

Bài viết có tham khảo từ:

1. Common Application

2. "Nước Mỹ trong tầm tay", NXB Báo Sinh viên Việt Nam - Hoa học trò, tái bản 2019